Thai đã đến ngày sinh (40 tuần) nhưng mẹ chưa xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ làm bố mẹ có tâm lý lo lắng. Vậy nếu gặp trường hợp này mẹ nên làm gì, có nên lựa chọn phương pháp mổ hay không? Tất cả thông tin quan trọng sẽ được DinoGPT giải đáp qua bài viết này.
Thai bao nhiêu tuần được coi là đủ tháng?
Thai đủ ngày đủ tháng là thai đủ 40 tuần tuổi (tính đến ngày dự sinh). Tuy nhiên thai > 38 tuần là đã trưởng thành và có thể nuôi sống dễ dàng bên ngoài tử cung mẹ, trong khi đó trẻ sinh sớm hoặc muộn hơn thời gian này đều sẽ có nguy cơ biến chứng cao hơn. Cụ thể, thời gian sinh nở của phụ nữ có thai sẽ được định nghĩa và phân chia như sau:
- Trước 37 tuần: trẻ sinh non
- Từ 38- 41 tuần: trẻ sinh đủ tháng
- Từ 42 tuần trở lên: trẻ sinh già tháng.
Tuy nhiên, không có một con số ấn định thai đủ bao nhiêu tuần thì sinh đồng đều với mọi thai phụ. Yếu tố sức khỏe của thai, yếu tố tâm lý, sự kích thích tác động bên ngoài cũng như cơ địa của người mẹ mà thai phụ có thể sinh sớm hay muộn hơn so với ngày dự kiến sinh từ 1 – 2 tuần là hoàn toàn bình thường.
Ngoài ra yếu tố bà mẹ sinh lần đầu (con so) hay sinh con dạ cũng ảnh hưởng đến thời điểm sinh con.
Nguyên nhân dẫn đến việc thai nhi đến ngày dự kiến vẫn chưa chuyển dạ (thai quá ngày sinh)
Thời điểm thai nhi đủ ngày đủ tháng (38-41 tuần) là đủ điều kiện có thể chào đời. Em bé tại thời điểm này có trọng lượng trung bình khoảng từ 2900 gram đến 4200 gram. Nếu mẹ không chuyển dạ có thể dẫn đến kéo dài thời gian thai kỳ hay còn gọi là thai già tháng.
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai quá ngày sinh đó là
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) của mẹ cao và nguy cơ đái tháo đường được đánh giá là yếu tố thuận lợi cho việc thai quá ngày sinh. Nguyên nhân chưa được giải thích ngoài giả thuyết về tình trạng trao đổi chất rối loạn gây ảnh hưởng đến các yếu tố nội tiết liên quan đến khởi phát chuyển dạ
- Bất thường về rau thai hay sự phát triển của thai nhi cũng là một trong các nguyên nhân cần lưu ý.
- Yếu tố di truyền hoặc giới tính: những người trong gia đình mang thai già tháng có thể hay gặp hơn. Một số trường hợp có liên quan đến giới tính của trẻ và thông thường các bé trai sẽ có thời gian mang thai lâu hơn.
- Sự sai lệch trong tính toán ngày dự sinh ban đầu và có thể là nhầm lẫn về ngày kinh cuối cùng khi siêu âm.
Đến ngày sinh mà chưa thấy có dấu hiệu chuyển dạ thì có thể gặp vấn đề gì không?
Thai phụ lo lắng khi thai 40 tuần tuổi nhưng không có dấu hiệu chuyển dạ. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên quá lo lắng nếu mẹ được kiểm soát thai kỳ tốt và được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa. Dưới đây là một số rủi ro có thể gặp phải:
Quá ngày dự sinh
Trong trường hợp thai đã bước vào tuần 41 và không có dấu hiệu chuyển dạ. Như vậy được xem là thai quá ngày dự sinh. Nếu thai kỳ tiến đến tuần thứ 42 hay kéo dài hơn mà không chuyển dạ được gọi là thai già tháng.
Nguy cơ nhiễm trùng
Một số trường hợp thai 40 tuần chưa chuyển dạ mẹ có nguy cơ đối mặt với tình trạng bên trong tử cung có thể bị nhiễm trùng. Vậy nên, mẹ cần được theo dõi và thăm khám với bác sĩ để tránh trường hợp xấu có thể xảy ra.
Nguy cơ xấu cho thai nhi
Thai quá ngày sinh có đặc điểm
- Bong da bộ phận sinh dục, da chi, bong da toàn thân,..
- Khuôn mặt già nua, móng tay dài trùm ngón
- Thân hình gầy gò hoặc thai to toàn bộ, từng phần như trong trường hợp mẹ bị đái tháo đường
Đây là yếu tố có thể gây ra các biến chứng cho thai như suy thai, thiểu ối, thai lưu, tỷ lệ sơ sinh mắc các bệnh lý tăng cao do biến chứng hít phải phân xu,viêm phổi hoặc trẻ gặp bất thường trong quá trình tăng trưởng như tăng cân quá mức, dị tật bẩm sinh, bại não,…
Nguy cơ đối với mẹ
- Thai quá ngày sinh dẫn đến tăng tỷ lệ mổ lấy thai và tăng nguy cơ chảy máu sau đẻ và nhiễm trùng sau sinh
Đến ngày sinh mà chưa chuyển dạ phải làm sao? Có nên mổ không?
Thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ? Đây là nỗi lo của rất nhiều mẹ bầu. Thực tế việc lựa chọn phương án sinh phù hợp sẽ tùy thuộc vào bác sĩ sản khoa sau khi thăm khám cho mẹ. Tuy nhiên, phương án sinh thường vẫn luôn được ưu tiên. Bác sĩ có thể hỗ trợ mẹ chuyển dạ bằng các phương pháp phù hợp và an toàn.
Một số trường hợp thai già tháng sẽ được chỉ định mổ khi có các biểu hiện sau:
- Thai nhi đã có dấu hiệu suy thai.
- Thai phụ đã có vết mổ cũ lấy thai.
- Mẹ đang điều trị vô sinh hiếm muộn.
- Những biện pháp hỗ trợ mẹ chuyển dạ thất bại.
- Kích thước của em bé lớn, khó sinh thường và có thể bị kẹt.
- Thai nhi nằm ở tư thế bất thường, không nằm ngôi thuận.
- Sản phụ có các vấn đề về sức khỏe, lớn tuổi hay các nguy cơ gặp biến chứng khi sinh thường.
- Quá trình mẹ sinh thường gặp nhiều khó khăn.
Vậy nên, thai 40 tuần tuổi lựa chọn phương án sinh như thế nào còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố sức khỏe của cả mẹ và bé. Điều cần lưu ý khi thai quá ngày sinh là đến thăm khám bác sĩ: cụ thể đến ngày dự kiến sinh mà chưa chuyển dạ cần đến khám và theo dõi 2 ngày/lần để siêu âm (theo dõi lượng nước ối, cử động thai, nhịp tim thai)
Và theo dõi bằng monitoring tim thai (để phát hiện suy thai). Bà mẹ nên thực hiện nghiêm túc theo các hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Trên thực tế việc lựa chọn phương pháp sinh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vậy nên, mẹ bầu hãy thăm khám đúng lịch để được tư vấn đầy đủ bởi bác sĩ. Mong rằng với thông tin trên, mẹ sẽ có thêm nhiều kiến thức để vượt cạn thành công.
Bài viết được thẩm định bởi TS.BS. Dương Lan Dung – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Nguyên Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học – Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
- BẢO QUẢN ĐỒ ĂN MÙA HÈ – KIẾN THỨC MẸ CẦN BIẾT
- KHAI TRƯƠNG SHOP MẸ SÂU CƠ SỞ 2 TẠI QUẢNG NINH – MỘT NGÀY ĐẶC BIỆT CÙNG HISMART
- CHUẨN BỊ TÂM LÝ TRƯỚC KHI SINH CHO MẸ ĐỂ CHÀO ĐÓN BÉ YÊU
- MẸ BẦU ĂN GÌ CON TĂNG CÂN NHANH?
- CÔNG ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM CHĂM LO TOÀN DIỆN ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT, TINH THẦN CHO LAO ĐỘNG NỮ