Sinh con là một trải nghiệm đầy cảm xúc, mệt mỏi và lượng hormone sẽ có sự thay đổi đáng kể trong vài ngày đầu sau sinh. Lúc đó, sản phụ có thể xuất hiện hội chứng baby blues nhưng nó thường chỉ kéo dài một vài ngày. Vậy Baby Blue là gì và nên xử trí thế nào khi mẹ sau sinh có những triệu chứng Baby Blue. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thu Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cộng đồng RPS sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về triệu chứng Baby Blue ở mẹ sau sinh.
Nên hiểu thế nào về Baby Blue?
Baby Blue xuất hiện rất sớm sau khi sinh từ 2 – 3 ngày và chỉ kéo dài vài ngày đến 1 tuần sau sinh là hết, tuy nhiên cũng có trường hợp kéo dài đến 2 tuần nhưng không nhiều hơn.
Sau khi sinh, lượng hormone của nữ giảm xuống làm ảnh hưởng đến tâm trạng rất nhiều. Việc thay đổi giờ giấc sinh hoạt, ngủ nghỉ, nỗi lo chăm sóc con nhỏ khiến nhiều người phụ nữ phải đối mặt với căng thẳng. Đặc biệt đối với những phụ nữ lần đầu tiên làm mẹ sẽ dễ mắc phải hội chứng Baby Blue.
Các triệu chứng Baby Blue
– Khóc vô cớ, không lý do, cứ tự nhiên là khóc không kiểm soát được.
– Thay đổi tâm trạng từ vui sang buồn nhanh chóng. Bạn vừa thấy tự hào, vui sướng vì sự ra đời của con an toàn, háo hức với thiên chức làm mẹ. Nhưng liền sau đó bạn lại cảm thấy lo lắng, hoang mang, khóc vì sợ mình không làm tốt vai trò của mình, sợ không chăm con được tốt…
– Không muốn ăn uống, bỏ quên việc chăm sóc bản thân bởi mệt mỏi.
– Mất ngủ, không dám ngủ vì sợ lỡ mình ngủ sẽ chăm sóc con không được tốt.
– Cảm giác lo lắng, bất ổn, dễ cáu gắt…..
Nếu những triệu chứng này không thuyên giảm mà có chiều hướng tăng lên sau 2 tuần thì bạn nên nghĩ đến có khả năng bạn đã mắc trầm cảm sau sinh.
Cách kiểm soát hội chứng Baby Blue
– Cố gắng ngủ, nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Bạn nên tranh thủ lúc con ngủ, có người trông để ngủ, để nghỉ ngơi thư giãn. Khi bạn ngủ đủ, nghỉ ngơi đủ thì cơ thể bạn sẽ thoải mái, khỏe hơn, bạn có đủ sự tỉnh táo về tinh thần và thể chất dành cho chuỗi ngày chăm con nhỏ.
– Ăn uống đầy đủ chất, vẫn tiếp tục bổ sung Vitamin theo hướng dẫn của bác sỹ. Ăn nhiều rau xanh, フルーツ, đủ lượng protein cần thiết giàu magie và omega 3 để cơ thể sản sinh đủ năng lượng tăng sức đề kháng, giảm thiểu cảm xúc tiêu cực.
– Tự tạo sự thoải mái cho mình bằng cách: nghe nhạc, luyện tập nhẹ nhàng, đi bộ nhẹ, đọc sách, xem phim….
– Chia sẻ, tâm sự với bạn bè, người thân thường xuyên
– Tự chuẩn bị tâm thế cho bản thân về vai trò mới trước khi sinh: làm mẹ là một trải nghiệm mới mẻ và tuyệt vời, ngay lập tức có thể bạn sẽ chưa phải là người mẹ hoàn hảo nhưng bạn sẽ là người mẹ tuyệt vời nhất bởi bạn được cơ hội học làm mẹ, học hiểu con từ những biểu hiện nhỏ hàng ngày của con.
– Và hãy tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia y tế, chuyên gia tâm lý trong suốt quá trình bạn nuôi con nhé. Không ai có thể làm tốt tất cả mọi việc, vì thế bạn đừng tự ti, tự gây áp lực cho mình. Nuôi con là cả một chặng đường dài, trong suốt chặng đường này sẽ có những thuận lợi và những khó khăn, bạn cứ từ từ học hỏi và nhớ bên cạnh bạn luôn có rất nhiều người có thể chia sẻ và giúp bạn vượt qua những khó khăn này.
DinoGPT và chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thu Hà sẽ luôn đồng hành cùng mẹ trong hành trình nhiều chông gai nhưng cũng đầy hạnh phúc này.